Bước tới nội dung

Quân đội nhà Tây Sơn

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Quân Tây Sơn)

Quân đội Tây Sơn là tổ chức vũ trang của Nhà Tây Sơn, xuất phát từ lực lượng nghĩa quân của phong trào nông dân từ năm 1771 cho đến ngày sụp đổ năm 1802.[1] Đây là đạo quân đã ghi nên những chiến công hiển hách trong lịch sử quân sự Việt Nam. Các chiến thắng vang dội cả bên trong lẫn bên ngoài lãnh thổ trong suốt 3 thập niên tồn tại. Lãnh đạo quân sự nổi bật nhất là Nguyễn Huệ, một trong những chỉ huy kiệt xuất nhất của triều đại này.

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Các chiến binh Tây Sơn có nguồn gốc khởi phát từ ấp Tây Sơn, thuộc Bình Định ngày nay, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ đã tập hợp lực lượng trong dân chúng đứng lên khởi nghĩa.[2] Họ lấy danh nghĩa chống lại Quốc phó Trương Phúc Loan, ủng hộ hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương là cháu đích tôn của Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát, Nguyễn Nhạc đã phất cờ nổi dậy vào năm 1771. Bởi do Tây Sơn mang danh nghĩa ủng hộ hoàng tôn Dương và khi đánh trận thường la ó ầm ĩ nên dân gian có câu:[3][4]

"Binh triều là binh Quốc phó
Binh ó là binh Hoàng tôn"

Tây Sơn ngày càng được sự ủng hộ rất lớn của dân chúng, gồm cả một số sắc dân thiểu số và người Hoa như hai đạo quân của Lý TàiTập Đình. Những năm đầu tiên lực lượng của nghĩa quân còn yếu, nhưng họ thường nhận được sự giúp đỡ của người dân quanh vùng. Vào lúc đó, một người thuộc giới trí thức tên là Huyền Khê[5] ủng hộ tiền bạc, một phú nông là Nguyễn Thung[5] ra sức vận động mọi người gia nhập nghĩa quân.[6][7]

Chính sách quân sự

[sửa | sửa mã nguồn]

Tờ chiếu gửi Ngô Văn Sở vào năm Thái Đức thứ 11, bản từ tiếng Pháp dịch bởi Đặng Phương Nghi, ghi:[8]

Bởi sắc lệnh này ta cho các tướng Đại Tư Mã, Đại Đốc (tức Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân) và các sĩ quan khác biết rằng từ trước tới nay các vua chúa đều lấy luật pháp để cai trị thần dân và duy trì hoà bình, nên ta cũng noi gương các vị tiền bối mà đánh dấu ngày khởi đầu triều đại ta bằng cách soạn ra một bộ luật để dân chúng sống trên đất đai ta nghiêm nhặt tuân theo. Vì thế ta đã giao cho các quan tư pháp và tham chính viện nhiệm vụ hoàn tất các tác phẩm đó trong một, hai tháng. Trong khi chờ đợi ta ban bố vài pháp quy yêu cầu mọi người và mỗi các ngươi đứng đắn thi hành. Nội dung điều lệ đó như sau:

  1. Nếu một sĩ quan hay binh lính nào phạm tội gì, các quan văn võ sẽ họp lại để xử họ và nếu họ đáng bị xử tử họ sẽ bị kết án tử hình.
  2. Song le trong thời chiến tranh, mỗi lần một vị chỉ huy sai bộ hạ mình đi đánh địch, bộ hạ đó phải tuyệt đối tuân theo, người nào tử trận một cách can đảm sẽ được vẻ vang. Trái lại ai vì sợ chết mà bỏ trốn sẽ bị sỉ nhục. Bởi vậy ta cho phép xử tử tức thì những kẻ trốn bổn phận cũng như những kẻ cho địch có thì giờ dưỡng sức lại và tấn công vì hèn nhát hay vì chậm chạp; sau rồi các tướng lãnh phải báo cáo hành động của họ trong trường hợp đó.
  3. Khi chiến tranh chấm dứt và khi quân đội trở về kinh đô và được trả lại cho chính quyền, không một quan chỉ huy nào được tự tiện xử tử một người ngang quyền hay ngang chức và ai mà vi phạm luật này sẽ không có hi vọng được khoan hồng.
  4. Mỗi lần xảy ra chuyện gì liên quan đến quốc gia hay công ích, mọi người đều phải lưu ý ngay đến việc đó kẻo một sự chậm trễ nhỏ nhặt cũng có thể gây trở ngại cho công việc. Thời bình, sự mau lẹ đó cũng cần thiết rồi, huống chi tại Bắc Kỳ nơi cuộc chiến càng ngày càng ác liệt, một cuộc chiến mà các ông phải coi như việc trọng yếu bởi vì mỗi giây phút có thể mang lại nhiều thay đổi bất ngờ liên tiếp theo nhau như gió, chớp hay như hơi và những biến chuyển đó lúc thì thuận, lúc thì nghịch thành thử không thể căn cứ trên cái gì chắc chắn được. Bởi vậy mỗi khi nhu cầu quốc gia hay tình hình chiến tranh bắt phải họp để thảo luận về những việc phải làm và mỗi khi ngày giờ họp được ấn định, các quan văn võ sẽ phải họp ngay lập tức vào ngày giờ đó để bàn bạc và quyết định với nhau. Nếu bất đồ có người vì sơ suất mà quên tới nơi họp đúng giờ, ta cho phép Tư Mã và Đại Đô Đốc phạt họ tuỳ theo lỗi nặng hay nhẹ.
  5. Nếu mỗi khi thuộc hạ quan chỉ huy chi đội hay thuộc hạ của ông đi đuổi bắt kẻ gian, đáng lẽ bảo vệ và che chở dân vô tội và hiền lành họ lại cưỡng đoạt của cải của dân chúng đáng thương sẽ đau khổ và thất vọng, vì họ phải chịu nhiều tai vạ hơn dưới thời ác quỷ Nhậm hay Tiết chế. Họ cư xử như vậy thì làm sao dân chúng yên lành được? Và làm sao gọi hành động đó là giải phóng dân chúng khỏi áp bức và làm sao phạt thủ phạm cho được? Vậy ta ra lệnh cho các sĩ quan phải công bố trong trung đội hay binh đoàn mình điều nghiêm cấm, không được lấy bất cứ vật gì của dân dù là một ngọn cỏ, như ta không ngớt tuyên cáo trước đây. Các sĩ quan sẽ chắc chắn làm vừa lòng ta và đúng theo tình ý ta nếu hết sức thi hành điều nghiêm cấm đó. Ai cư xử như vậy có thể tin rằng sau khi chia sẻ cùng ta những nỗi khổ nhọc và những mối hiểm nghèo của thời chiến này, họ cũng sẽ chia sẻ thanh danh và hưởng thú vui thời bình cùng ta. Vả lại nữa, không ai có quyền dựa vào sự vắng mặt hay sự xa cách của ta để phiền nhiễu cướp bóc dân chúng và uy hiếp đàn bà con gái. Chỉ khi nào ngưng và dẹp được những bạo hành đó, họ mới có thể tự phụ giữ nổi chức vụ và bảo đảm an ninh cho cá nhân và gia đình họ, bằng không, đừng mong gì ta dung thứ họ.

Đó là những điều ta muốn các ngươi phải biết.

Ngày 3 Tháng Mười [Âm lịch] năm Thái Đức thứ 11.

Tổ chức

[sửa | sửa mã nguồn]

Quân số Tây Sơn ban đầu vào năm 1771 khoảng 3.000 người, đến 1773 là 26.000 người,[1] vào thời gian đánh Mãn Thanh vượt mức 100.000 quân.[9]

Lệnh tòng quân, bao gồm việc cưỡng bách trong thời gian triển khai ra Bắc đánh quân Mãn Thanh là vô cùng gắt gao. Việc kiểm tra quân số và thi hành kỷ luật quân đội rất nghiêm khắc. Kỷ luật quân đội cũng bù đắp phần nào yếu kém bởi sự huấn luyện vội vã để có thể đánh trận. Dựa theo sự mô tả của các nhà truyền đạo phương Tây lúc đó, Tây Sơn gần như sử dụng "chiến tranh toàn dân", tất cả mọi người đều được huy động, nhà sư cũng bị bắt đi lính, phụ nữ và con gái phải theo trợ chiến. Người già, con nít chừng 15 tuổi trở lên, du thương, cướp biển, dân tộc thiểu số đều được đưa vào quân đội.[8] Theo thư của giáo sĩ La Bartette gửi cho giáo sĩ Blandin ngày 25 tháng 6 năm 1786 thì: "Họ đã phá hủy tất cả những giáo đường đẹp nhất ở đây, họ cũng phá hủy tất cả chùa chiền và bắt tất cả những nhà sư cầm vũ khí để ra trận." Nguyễn Huệ không ngần ngại đốt phá, tàn sát nếu gặp chống cự, để tiêu diệt địch cũng có mà thị uy cũng có. Nắm vững quan điểm kỷ luật là sức mạnh của quân đội, ông hết sức gắt gao trong việc điều quân và nổi tiếng là nghiêm minh. BertetteDousssain từng nhiều năm truyền đạo ở miền Thuận Hóa, trong bức thư đề ngày 11-6-1788, đã viết: Nguyễn Huệ đôi khi điều động được từ hai đến ba trăm nghìn quân.[10]

Theo vai trò, quân đội Tây Sơn được tổ chức thành:

- Trung quân

- Tiền quân

- Tả quân

- Hữu quân

- Hậu quân

Theo biên chế đơn vị, quân đội Tây Sơn được tổ chức theo nguyên tắc "ngũ ngũ chế":[11]

Đơn vị Số lính
Đội (thủy quân gọi là Thuyền) 60 - 100
300 - 500
Đạo 1.500 - 2.500
Doanh (cùng một số ) ~ 15.000

Quân số của mỗi đội, , đạo không thống nhất, nó thay đổi tùy theo tính chất của binh chủng, tùy theo địa điểm chiến thuật mà các đơn vị đó chiếm đóng. Thông thường mỗi đội có từ 60 đến 100 lính, mỗi từ 300 đến 500 lính, mỗi đạo từ 1.500 đến 2.500. So với quân số ở cấp tương đương của quân đội Lê, Trịnh hoặc Nguyễn, không có sự chênh lệch quan trọng.[12] Doanhđạo là những đơn vị hỗn hợp có cả các thành phần của bộ binh, pháo binh, kị binh và tượng binh (như đơn vị hợp thành của quân đội hiện đại mỗi khi tác chiến).

Theo chức năng, quân đội Tây Sơn được tổ chức thành:

Bộ binh Tây Sơn

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo truyền thống của Đàng Trong, Nhà Tây Sơn luôn luôn có một đạo thân binh, được trang bị tối tân và rất kỷ luật, tên là đội thân binh Thuận Quảng, bao gồm binh sĩ các vùng Thuận Hóa và Quảng Nam ở Đàng Trong, trong đó có một số đông người Thượngngười Hoa rất thiện chiến. Tướng thường chít khăn đỏ, người miền Bắc gọi họ với ý khinh rẻ là man binh (quân mọi), cuồng Chiêm (quân Chiêm hung tợn) hay quân Quảng Nam. Những địa điểm quan trọng thường có quân "Quảng Nam" đồn trú. Theo Hoàng Xuân Hãn, "quân Tây Sơn cầm cờ đỏ có tháp lông gà nhuộm đỏ, gọi là cờ hồng mao". Trong Lê quý dật sử thì viết rằng quân Tây Sơn khi đóng ở Nghệ An mặc áo màu đỏ tía, chỏm mũ đính lông chiên đỏ, vũ khí dùng tên lửa buộc trên đầu ngọn giáo gọi là hỏa hổ. Y phục này cũng được nhắc đến trong Đại Nam Quốc sử Diễn ca trong câu 1829-30:

Quân dung đâu mới lạ nhường,
Mão mao, áo đỏ chật đường kéo ra.

Theo đánh giá của người châu Âu đến Đàng Trong thời đó thì quân đội Tây Sơn rất tinh nhuệ, trang bị nhiều vũ khí tân kỳ ở thời đó. Họ sử dụng nhiều loại súng ống bao gồm cả súng đại bác và súng hỏa mai. Quân Tây Sơn cũng được huấn luyện để tự pha chế lấy thuốc nổ và người châu Âu đã kinh ngạc vì lính Tây Sơn nạp đạn rất nhanh, trong khi quân Anh phải thực hiện đến 20 động tác cho mỗi lần nạp đạn thì người Việt chỉ cần có 4 động tác.[13]

Pháo binh Tây Sơn

[sửa | sửa mã nguồn]
Súng thần công Nhà Tây Sơn tại Bảo tàng Quang Trung, Bình Định.

Ngay từ thế kỷ 17, lực lượng pháo binh của TrịnhNguyễn đã giữ một vai trò quan trọng trong công cuộc phòng thủ bảo vệ thành lũy, và trong tiến công áp đảo quân địch. Súng đại bác được dùng để phòng thủ, nếu đưa ra trận thì dùng voi kéo hay chở nên rất cơ động.[14]

Quân Tây Sơn là một quân đội lấy tiến công làm chính, họ có lực lượng Voi chiến trang bị pháo, và pháo hạm, vừa có tính cơ động vừa mạnh về hỏa lực, hỏa lực sử dụng chiến đấu và yểm trợ bộ binh khi xung trận. Lực lượng pháo binh Tây Sơn gồm các loại đại bác hạng nặng, hạng nhẹ, các loại hỏa hổ (hỏa tiễn cầm tay). Theo báo cáo của các quan sĩ Pháp từng theo phò Nguyễn Ánh cũng như sử sách nhà Nguyễn đều công nhận tính năng phi thường của các đại pháo và hỏa pháo Tây Sơn. Trong các trận đánh dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ, lực lượng pháo binh Tây Sơn lúc nào cũng vượt trội và cơ động nhanh, đáp ứng tốt yêu cầu của chiến trường. Các trận đánh lớn của bộ binh đều có pháo binh yểm trợ và hiệp đồng chiến đấu. Trong trận đánh ở chiến lũy Trấn Ninh (Quảng Bình) vào năm 1802, quân Tây Sơn đã huy động cả ngàn khẩu pháo.[15][16]

Các kiểu súng đại bác cỡ nhỏ thì có thể mang trên lưng và bắn một loại đạn nặng chừng hơn 100 gram. Một người lính cõng cái nòng súng dài chừng 2 thước, trong khi một người lính khác mang cái "giá" là một khúc gỗ tròn dài cũng chừng cái nòng súng. Khi tác xạ, cái "giá" được dựng lên bằng hai cái càng hay một cái chạc cao khỏi mặt đất chừng một mét, nòng súng sau đó để lên trên giá trong một cái ngàm sắt. Người lính có thể điều chỉnh độ nhắm và kiểm soát bằng một cái báng tì lên trên vai. Các loại súng này rất tiện lợi cho việc di chuyển và phục kích quân địch.[cần dẫn nguồn]

Kỵ binh Tây Sơn

[sửa | sửa mã nguồn]

Quân Tây Sơn sử dụng ngựa thồ và huấn luyện chúng thành ngựa chiến. Nguyễn Nhạc sau khi lên ngôi, lúc sứ giả nước Anh là Chapman tới yết kiến, Nguyễn Nhạc đặt vấn đề có ngay một con ngựa Ăng Lê, ông muốn có ngựa ngoại với bất cứ giá nào và ông đã nhờ Chapman chuyển thư cho Toàn quyền Bengale yêu cầu một con ngựa nâu sẫm với đôi tai nhỏ và đẹp, dựng đứng lên trong chuyến tàu sớm nhất cập vương quốc của mình qua cảng Thị Nại.[17]

Tây Sơn ngũ thần mã, là biểu tượng nổi tiếng của các tướng lĩnh Tây Sơn,[18] trong số này thì có ít nhất ba con là giống ngoại hãn huyết mã. Tây Sơn ngũ thần mã uy dũng được vinh danh trong cuốn Tây Sơn nhân vật chí của Đinh Sĩ An, sau khi nhà Tây Sơn diệt vong, chúng vẫn được người Bình Định tưởng nhớ và tôn thờ như linh thú.

Tượng binh Tây Sơn

[sửa | sửa mã nguồn]

Đây là một lực lượng mạnh trong quân đội Tây Sơn, tuy nhiên không rõ có tất cả bao nhiêu voi chiến, ước chừng vài trăm.

Nguyễn Nhạc sau khi lên ngôi vua đã tiến hành chỉnh đốn lực lượng tượng binh, quy định rõ ngạch voi, số đội và các quy định về quản lý, chăm sóc, huấn luyện voi. Theo đó, tượng binh được phiên chế thành các đội, mỗi đội có từ 30-40 con. Đội voi ở mỗi tỉnh có tầu (chuồng) riêng, được các quản tượng trông nom, tập luyện. Hằng năm, trong các đợt tập trận lớn, các đội voi thường được đem ra diễn tập cùng các lực lượng khác.[19]

Trong 5 đạo quân Tây Sơn từ phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn tiến công quân Thanh đầu xuân Kỷ Dậu 1789 thì có tới 3 đạo quân sử dụng kết hợp tượng binh và kỵ binh, trên mỗi hướng tấn công đều có hàng trăm voi chiến tham gia.[19] Ước trong cuộc tấn công quân Mãn Thanh, 300 voi chiến đã được sử dụng,[20] riêng trận Ngọc Hồi, 100 voi chiến đã xung trận dưới sự chỉ huy của Bùi Thị Xuân.[21]

Trên mỗi voi chiến, ngoài người quản tượng còn có 3 đến 4 binh sĩ cầm vũ khí vừa bảo vệ voi vừa chiến đấu. Ngoài cung, nỏ, giáo cán dài,...tượng binh Tây Sơn còn được trang bị đặc biệt bằng đại bác, hỏa hổhỏa cầu lưu hoàng. Như theo Thánh Vũ Ký thì, quân Tây Sơn đều chở đại bác bằng voi mà xông ra trận. Khi Nguyễn Huệ đánh Ngọc Hồi, sử nhà Thanh có đoạn chép thêm: "đại doanh ta vỡ, bị đội voi chiến đốt cháy, vì trên lưng mỗi con voi, có 3-4 tên lính chít khăn đỏ, ngồi ném, tung hỏa cầu lưu hoàng ra khắp mọi nơi, đốt cháy cả người nữa".[22]

Thủy quân Tây Sơn

[sửa | sửa mã nguồn]

Thủy quân Tây Sơn[23][24] có 673 thuyền chiến, 53.250 lính (hạm đội của Vũ Văn Dũng, Thị Nại, năm 1801).

Về chức năng, có hai loại thuyền:

- Thuyền lớn để chở quân, lương thực, hàng hóa khác. Thuyền còn được gắn pháo để đánh chìm thuyền địch.

- Thuyền nhỏ nhẹ và linh động, dùng để bao vây, tấn công và xung kích.

Mô hình thuyền Định Quốc của thủy quân Tây Sơn, Bảo tàng Tây Sơn (Bình Định)

Thuyền chiến bao gồm năm loại:

- Chiến thuyền loại 1:[25]

9 thuyền, 700 lính thủy/thuyền, trang bị 60 đại bác, mỗi khẩu bắn đạn nặng khoảng 11 kg. Mỗi khẩu pháo có đường kính nòng khoảng 14 cm, dài khoảng 2,5 m, nặng 2.700 kg với 11 pháo thủ. Đây là minh chứng cho thấy hỏa lực và lực lượng thủy quân trên các chiến hạm Tây Sơn vô cùng mạnh mẽ và đông đảo. Thuyền cỡ lớn nhất Tây Sơn gọi là "Định Quốc" (giống như lớp tàu ngày nay), chính sử nhà Nguyễn gọi đó là loại thuyền Đại hiệu. Sách Hoàng Lê nhất thống chí mô tả thuyền Đại hiệu như một pháo đài di động, trên "lập chòi gác, đặt súng lớn".
5 thuyền, 600 lính thủy/thuyền, trang bị 50 đại bác, mỗi khẩu bắn đạn nặng khoảng 11 kg.

- Chiến thuyền loại 2:

40 thuyền, 200 lính thủy/thuyền, 16 đại bác, mỗi khẩu bắn đạn nặng tương đương 5,4 kg. Đây là loại chiến thuyền vừa lợi hại trong thủy chiến, tấn công có hiệu quả tàu chiến địch do tốc độ và hỏa lực, lại vừa vận chuyển binh lính nhiều, có khả năng tấn công địch ở mục tiêu xa.

- Chiến thuyền loại 3:

93 thuyền, 150 lính/thuyền. Trang bị chỉ có 1 khẩu đại bác nhưng lại lớn hơn bất cứ loại đại bác nào khác, bắn đạn nặng khoảng 16,3 kg. Pháo này có nòng dài gần 3 m, nòng rộng 16 cm, nặng 3.700 kg với 14 pháo thủ.

- Chiến thuyền loại 4:

300 thuyền, 50 lính/thuyền, 1 đại bác nhỏ.

- Chiến thuyền loại 5:

100 thuyền, 70 lính/thuyền.

Và nhiều loại thuyền chiến cỡ nhỏ khác.

Chiến thuyền loại 4 và 5 tuy nhỏ nhưng được đánh giá là rất lợi hại. Vì nhỏ dễ xoay xở, nếu ở sông sẽ chạy bằng chèo, số thủy thủ đủ để thay phiên nhau chèo; nên vừa thủy chiến trên sông hiệu quả, lại vận chuyển binh lính đánh tập kích địch từ xa.

Đến năm 1788, Nguyễn Huệ mâu thuẫn với Nguyễn Nhạc ở phương Nam lại bị áp lực từ phương Bắc khi nhà Thanh chuẩn bị đem quân sang đánh, ông càng gấp rút tổ chức thủy quân để đối phó với tình hình ngày càng quyết liệt. Tổng binh Bảo được cấp thêm 16 đại thuyền nữa và phương tiện để tuyển mộ thêm quân. Barizy- một sĩ quan hải quân Pháp trong hàng ngũ quân Nguyễn Ánh, tường thuật về lực lượng của hạm đội Tây Sơn do Vũ Văn Dũng chỉ huy như sau: "Lực lượng này gồm có 673 chiến hạm đủ cỡ lớn nhỏ. Trong số này, có những chiến hạm lớn trang bị súng đại bác và thủy thủ đoàn nhiều hơn cả những chiến hạm lớn nhất kiểu Tây phương mà quân Nguyễn có". Trong một bức thư của Jeaptiste Chaigneau cho biết ở Quy Nhơn, thủy quân Tây Sơn có 54 tàu, 93 chiếc thuyền, 300 pháo hạm, 100 tàu buồm, trang bị rất hùng hậu.[26]

Vũ khí thông dụng và hậu cần

[sửa | sửa mã nguồn]

Quân Tây Sơn sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau gồm các loại dao mác thông thường, loại đao dài với lưỡi đao dài bằng cán đao, súng, hỏa hổ, hỏa cẩu, hỏa long, đại bác, tiểu pháo và thuốc nổ.

Hỏa hổ:[27] loại vũ khí có bầu lớn, dài khoảng một thước, khi tác chiến thì phun lửa từ trong ống tống nhựa thông bắn ra, trúng mục tiêu thì bốc cháy.[28][16]

Hỏa cầu lưu hoàng:[27] là một khối kim loại rỗng ruột được nhét đầy thuốc súng, miểng sắt và lưu huỳnh, trên đầu khối kim loại có ngòi dẫn ra. Hỏa cầu được đốt ngòi nổ và ném về phía đối phương.[28][16]

Hỏa tiễn: là một loại súng có nòng dài khoảng hai tấc rưỡi (25 cm). Chúng sẽ được nhồi thuốc súng chia thành ba phần, sau đó dùng cây thụt phần thứ nhất và phần thứ hai riêng rẽ xuống nòng súng, đóng thật chặt mỗi phần, phần thuốc nổ còn lại nhét vào đầu bằng sắt của một mũi tên cắm vào nòng súng. Bước kế tiếp là nhét một sợi tre khô vào trong hộp súng có dây dẫn lửa nối vào. Khi bùi nhùi được đốt lên, mũi tên sẽ bén lửa và phóng ra.[28]

Đối với việc di chuyển, khi mang quân ra Bắc đánh quân Thanh, Nguyễn Huệ đã áp dụng nguyên tắc "tập thể di chuyển liên tục ngày đêm, cá nhân luân phiên nghỉ dưỡng sức". Nguyễn Huệ đã từng cho quân cứ 3 người một tốp, luân phiên gánh võng nhau, suốt dọc đường 2 người khiên 1 người nghỉ.[29]

Đối với việc vận tải, trong lá thư đề ngày 11.4.1801, Barizy gửi cho Letondal viết về trận hải chiến Thị Nại năm 1801, ghi rằng thủy quân Tây Sơn còn có 4.800 thuyền vận tải trong cảng Thị Nại.[26]

Đối với việc liên lạc, năm 1964 trên báo Hòa Đồng xuất bản ở Sài Gòn, ông Hồ Hữu Tường mô tả quân Tây Sơn có những đoàn "sảo mã" đặc biệt tinh nhuệ, giữ việc thông tin liên lạc, số ngựa trong đoàn sảo mã này phần lớn chọn từ Phú Yên.[30]

Lương thực thường dùng và mang theo trong các cuộc hành quân là bánh tráng, bánh tét,...[28]

Các chỉ huy nổi bật

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. Nguyễn Huệ
  2. Bùi Thị Nhạn
  3. Bùi Thị Xuân
  4. Chu Văn Uyển
  5. Đào Văn Hổ
  6. Đặng Văn Chân
  7. Hồ Văn Tự
  8. Huỳnh Thị Cúc
  9. Lê Chất[a]
  10. Lê Trung
  11. Lê Văn Hưng
  12. Lê Văn Lợi
  13. Lê Văn Thanh
  14. Lý Tài
  15. Lý Văn Bưu
  16. Mạc Quan Phù
  17. Ngô Văn Sở
  18. Nguyễn Hữu Chỉnh
  1. Nguyễn Lữ
  2. Nguyễn Nhạc
  3. Nguyễn Quang Huy
  4. Nguyễn Quang Thùy
  5. Nguyễn Tăng Long
  6. Nguyễn Thị Dung
  7. Nguyễn Văn Bảo
  8. Nguyễn Văn Danh
  9. Nguyễn Văn Điểm
  10. Nguyễn Văn Hòa
  11. Nguyễn Văn Huấn
  12. Nguyễn Văn Trương
  13. Phạm Công Hưng
  14. Phạm Ngạn
  15. Phạm Văn Điềm
  16. Phạm Văn Định
  17. Phạm Văn Tham
  18. Phạm Văn Trị
  1. Phan Văn Lân
  2. Tập Đình
  3. Trần Quang Diệu
  4. Trần Thị Lan
  5. Trần Thiên Bảo
  6. Trần Viết Kết
  7. Trịnh Nhất
  8. Trương Văn Đa
  9. Từ Văn Chiêu
  10. Từ Văn Tú
  11. Võ Đình Tú
  12. Võ Thị Thái
  13. Vũ Thị Đức
  14. Vũ Văn Nhậm
  15. Ya Dố

Đô đốc thủy binh:

  1. Nguyễn Văn Duệ
  1. Nguyễn Văn Lộc
  2. Nguyễn Văn Tuyết
  3. Võ Văn Dũng
  4. Vũ Văn Thành
  5. Đặng Xuân Phong
  6. Đặng Xuân Bảo
  7. Đặng Văn Bảo
  8. Đặng Văn Long
  9. Đặng Tiến Giản
  10. Lê Danh Phong
  11. Trần Danh Tuấn
  12. Đào Công Giản
  13. Nguyễn Văn Xuân[a]
  14. Lê Văn An
  15. Lê Quốc Cầu
  16. Trương Phúc Phượng
  17. Kiều Phụng
  18. Đống Công Trường

Nghệ thuật quân sự

[sửa | sửa mã nguồn]

Không vội vã, che giấu quân, thám thính trước

[sửa | sửa mã nguồn]

Khi tiến quân xuống phía Nam, để chuẩn bị đánh quân Xiêm, Nguyễn Huệ không vào thành Gia Định (nơi tướng Tây Sơn Trương Văn Đa đang đóng giữ), mà cho đóng quân tại Mỹ Tho, nhằm che giấu lực lượng và tiến hành do thám tình hình để lập kế đánh Xiêm.

Lựa chọn điểm quyết chiến[31]

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong trận Rạch Gầm-Xoài Mút, Nguyễn Huệ đã chọn khúc sông Mỹ Tho, đoạn từ cửa sông Rạch Gầm đến cửa sông Xoài Mút làm khu vực tác chiến chủ yếu để tiêu diệt quân Xiêm. Rạch Gầm và Xoài Mút là hai con sông nhỏ, nhưng giữ vị trí quan trọng trong kế hoạch của quân Tây Sơn. Thủy binh Tây Sơn có thể bố trí ở hai rạch này tạo thành hai mũi tiến công lợi hại chặn đầu và khóa đuôi toàn bộ đội hình quân Xiêm, khi chúng lọt vào trận địa chuẩn bị sẵn đó.[32] Khoảng giữa cửa sông Rạch Gầm và cửa sông Xoài Mút có các cù lao Thới Sơn,[b].v.v. là nơi thuận lợi để bộ binh Tây Sơn bí mật triển khai pháo binh sẵn sàng đánh vào sườn đội hình quân địch và đón đánh những nhóm quân Xiêm liều mình đổ bộ lên bờ. Những nhánh sông nằm giữa các cù lao và bờ phía nam sẽ là những nơi mai phục và xuất phát của đội thuyền chiến Tây Sơn.[34]

Các trận chiến đấu chủ yếu thường được tiến hành vào nửa đêm và kết thúc trước khi trời sáng, quân Tây Sơn dành thời gian ban ngày cho việc trú quân kín đáo và chuẩn bị đánh khi thời điểm đến. Khoảng thời gian này là một lợi thế trong chiến đấu.[35]

Trong lần đánh Thanh, ngày 20 Tháng Chạp, khi quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ (lúc đó đã lên ngai lấy hiệu là Quang Trung) chỉ huy tiến đến núi Tam Điệp, các tướng Ngô Văn Sở, Ngô Thời Nhiệm, Phan Văn Lân đến chịu tội vì đã rút lui làm cho quân Thanh tràn vào Thăng Long. Tưởng đắc tội, không ngờ Quang Trung-Nguyễn Huệ cười:

"Lui quân để tránh thế giặc, trong khuyến khích tướng sĩ, ngoài làm cho giặc phấn khích, kiêu ngạo, dụ địch vào chỗ hiểm yếu của ta như thế là phải. Các khanh không có tội chi cả. Chúng nó sang đây là mua lấy cái chết đó thôi, ta đã định mẹo cả rồi".

Trong lần đánh Thanh, bên cạnh việc rút lui để bảo toàn lực lượng, để làm tăng thêm lòng kiêu căng của quân Mãn Thanh, Nguyễn Huệ còn sai Trần Danh Bình cầm đầu sứ bộ 8 người mang lễ vật và thư đến tha thiết xin Tôn Sĩ Nghị dừng quân để tra xét rõ: vì sao Tây Sơn phải thay quyền nhà Lê. Sứ bộ còn trả lại cho Tôn Sĩ Nghị 40 người Trung Hoa do tướng cướp Đắc Thiện Tống bắt và sau đó quân Tây Sơn bắt được Tống. Quả thật, Tôn Sĩ Nghị kiêu căng sai chém đầu Trần Danh Bình, luôn cả Đắc Thiện Tống và cầm tù đoàn sứ giả. Trong lúc đó, vua Quang Trung bí mật chỉnh đốn quân tướng, chuẩn bị chiến trận, quyết một trận đuổi quân Thanh ra khỏi bờ cõi Đại Việt. Vào sáng 30 Tháng Chạp, trước khi ra lệnh tấn công, Quang Trung nói:

"Ta đến mà địch không biết là địch ngủ ta thức, ta đánh mà địch không đề phòng là ta chém kẻ tay không. Ta nhất định thắng..."

Chính yếu tố bí mật, quân Thanh không nắm được lực lượng của Tây Sơn lại thêm thói khinh thường, đến khi bất ngờ bị tấn công thì không còn kịp chống đỡ.

Trước đó, trong lần kéo quân ra bắc đầu tiên với danh nghĩa "phò Lê diệt Trịnh", thủy quân Tây Sơn bị quân của chúa Trịnh Khải bao vây trên sông Vị Hoàng. Gặp gió đông thổi mạnh, Nguyễn Huệ sai lấy tượng gỗ để trên mấy chiếc thuyền, rồi cho đánh trống, kéo cờ, thả thuyền cho trôi đi. Tướng của Trịnh Khải là Đinh Tích Nhưỡng, tưởng quân Tây Sơn tới đánh bèn dàn thuyền chiến, rồi truyền quân sĩ lấy súng bắn cho đến khi hết đạn mới biết người trên thuyền là tượng gỗ. Lúc này, quân Nguyễn Huệ ùa tới đánh, quân của Nhưỡng không chống cự nổi phải bỏ thuyền mà trốn. Các cánh quân khác của chúa Trịnh cũng bị đánh tan, thành Sơn Nam bị hạ.

Trong lần đánh Xiêm, chỉ sau khi đã bố trí xong lực lượng, Nguyễn Huệ mới chủ động cho quân tới khiêu chiến, nhằm kéo quân Xiêm đến đoạn sông đã chuẩn bị trước để tiêu diệt. Quân Xiêm do khinh thường nên đã mắc mưu.[32]

Tại Rạch Gầm-Xoài Mút, trước khi diễn ra trận đánh, Nguyễn Huệ sai người đi thám sát tình hình thực địa, nắm chắc quy luật con nước, đặc điểm các luồng, lạch, cửa sông và địa thế hai bên bờ để bố trí lực lượng. Nguyễn Huệ cho triển khai lực lượng tại khu vực đã được lựa chọn từ trước. Từ Rạch Gầm tới Xoài Mút, ngoài việc lựa chọn bố trí lực lượng thủy quân tinh nhuệ, Nguyễn Huệ còn cho bố trí tập trung đại bác và lực lượng quân bộ ở hai bên bờ để sẵn sàng giáp chiến, bảo đảm khóa chặt quân địch khi chúng đi vào địa bàn tác chiến. Hai bên sườn trận địa mai phục, quân Tây Sơn còn bố trí xen kẽ lực lượng thủy quân ở các luồng, lạch, nhánh sông kết hợp với bộ binh, sẵn sàng đánh vào bên sườn đội hình địch cả trên sông, trên bộ.[34]

Một trong chiến thuật nổi bật của quân Tây Sơn là đánh tốc chiến,[27] trong bức thư của giáo sỹ tên là Le Breton, ghi ngày 02-08-1788, ông viết: "Như thế Nguyễn Huệ đã trở về Phú Xuân vào đầu tháng 7. Ông đã bắt quân phải về gấp rút đến nỗi có nhiều binh sĩ chết vì mệt mỏi và nắng nực. Ngay cả voi ngựa cũng chết". Lúc ra Thăng Long bắt giết Vũ Văn Nhậm, từ Phú Xuân, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã tự đốc thức bộ binh, kỵ binh ngày đêm tiến binh. Chừng hơn 10 ngày đã đến Thăng Long. Trong Nhật ký của Giáo hội Truyền giáo Bắc Hà gửi về cho Giáo hội Trung ương có thuật lại sức tiến quân vũ bão của hoàng đế Quang Trung: "Ông (Nguyễn Huệ) tiến như vũ bão ra Bắc và chỉ mất có 10 ngày, không quản đường xa khó nhọc đã giết chết nhiều ngựa voi của ông, trong khi người khác phải mất 3 hay 4 ngày". Với quãng đường dài hơn 600 trăm cây số, thời gian di chuyển chỉ mất 10 ngày; đường sá lại bị núi sông cách trở, việc di chuyển cả một đoàn quân lớn như vậy thật là phi thường. Sức ngựa voi mà còn chịu không nổi phải chết dọc đường huống hồ sức người.[29]

Không chỉ tấn công thần tốc[38] mà chiến thuật đi đôi của Quang Trung là tấn công bất ngờ,[27] đánh vào những thời điểm đối phương không thể ngờ tới, việc phòng bị của họ lơ là vì vậy dẫn đến bại trận.[35]

Trong cuộc tấn công ra bắc vào 1786, trong khi tướng sĩ phía Trịnh mất cảnh giác, thì quân Tây Sơn bắt đầu lên đường ngày 28 tháng 4 âm lịch tức 25 tháng 5 năm 1786.[39] Đến trung tuần tháng 5 âm lịch năm 1786, đạo quân bộ của Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tập kích bất ngờ nơi này, quân Trịnh không kịp trở tay. Hoàng Nghĩa Hồ mang quân ra chống cự bị tử trận.[40] Đánh chiếm được Hải Vân, Nguyễn Huệ lập tức thúc quân tiến thẳng ra Phú Xuân. Lần thứ 2, quân Trịnh lại bất ngờ. Trịnh Tông tập trung ở bến Tây Long, có 100 voi chiến,[40] tổng cộng 30.000 quân Trịnh phòng thủ Thăng Long. Trong tình thế nguy cấp biết trước sẽ bị tấn công, quân Trịnh vẫn không cảnh giác, cho rằng quân Tây Sơn chưa thể tiến đến Thăng Long nhanh chóng.[41] Cuối cùng, chính quyền chúa Trịnh sụp đổ.

Ngày 20 tháng 12 năm Mậu Thân (15 tháng 1 năm 1789), quân Tây Sơn đã ra đến tận Ninh Bình. Sau khi xem xét tình hình, Quang Trung nói với binh sĩ rằng chỉ trong 10 ngày sẽ quét sạch quân Thanh. Quân Mãn Thanh và Lê Chiêu Thống đang trong thời gian chuẩn bị ăn Tết đã không phòng bị tốt, cộng với thói kiêu ngạo của Tôn Sĩ Nghị khiến họ thật sự bất ngờ. Sớm hơn cả dự kiến, chỉ trong vòng 6 ngày kể từ đêm 30 Tết âm lịch, quân Tây Sơn đã đánh tan vỡ quân Thanh. Trưa mồng 5 Tết Kỷ Dậu - 1789, quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị dẫn tàn quân bỏ chạy, trên đường chạy liên tiếp bị quân Tây Sơn mai phục chặn đánh. Cuối cùng, Tôn Sĩ Nghị và Lê Chiêu Thống chạy thoát về Trung Quốc.

Sử dụng hỏa lực

[sửa | sửa mã nguồn]

Một yếu tố tạo nên sức mạnh vượt trội của quân đội Tây Sơn là việc sử dụng phổ biến và tập trung số lượng lớn vũ khí thuốc súng. Các loại vũ khí cầm tay như hỏa hổ gọn nhẹ đã được trang bị cho toàn quân. Ngoài ra còn sử dụng hỏa cầu lưu hoàng giống như một loại lựu đạn cỡ lớn. Điều này đã tăng khả năng chiến đấu trong quân đội. Đại bác cũng sử dụng với số lượng lớn. Các loại vũ khí thuốc súng được kết hợp với đội hình voi chiến, từ lưng voi binh lính sử dụng cả pháo, hỏa hổ, hỏa cầu lưu hoàng.[27] Trong trận đánh ở chiến lũy Trấn Ninh (Quảng Bình) vào năm 1802, quân Tây Sơn đã huy động cả ngàn khẩu pháo. Ngày 20 tháng 1 năm 1785, hỏa hổ và hỏa cầu lưu huỳnh Tây Sơn đã tấn công dữ dội hơn 300 thuyền chiến Xiêm La trong Trận Rạch Gầm – Xoài Mút.[16][15]

Tây Sơn sử dụng các biện pháp tâm lý để đạt được sự ủng hộ của đông đảo người dân, huy động nhiều thanh niên gia nhập quân đội. Trước hết, trong giai đoạn mới dựng cờ khởi nghĩa, Tây Sơn lợi dụng danh nghĩa nổi dậy chống quyền thần Trương Phúc Loan để phò chúa Nguyễn (ủng hộ hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương). Vì vậy, được lòng cả chúa Nguyễn và nhiều người. Sau diệt Nguyễn, cảm thấy đánh không lại quân Trịnh, Tây Sơn lại tiếp tục hòa hoãn làm cánh tay dài của quân Trịnh.

Giai đoạn sau khi bỏ sử dụng danh nghĩa "Phù Lê diệt Trịnh", Nguyễn Huệ sai Nguyễn Hữu Chỉnh làm tiến quân ra Bắc. Thua trên chiến trường, không được lòng dân, Chúa Trịnh bỏ thành Thăng Long chạy, bị dân bắt đem nộp Tây Sơn. Trên đường áp giải, Trịnh Tông tự sát.

Danh sách trận chiến

[sửa | sửa mã nguồn]

Kế hoạch quân sự đã hủy bỏ

[sửa | sửa mã nguồn]

Vua Quang Trung của triều Tây Sơn đã từng lên kế hoạch xâm lược nhà Thanh Trung Quốc, với ý định lấy lại Lưỡng Quảng, nhưng sau khi vua mất thì kế hoạch này không thực hiện được, và chỉ là dự định.[42][43][44]

Đánh giá

[sửa | sửa mã nguồn]

Nghĩa quân Tây Sơn nổi tiếng vì bình đẳng, bình quyền, không tham ô của dân và lấy của người giàu chia cho người nghèo. Điều này được các giáo sĩ Tây Ban Nha, như Diego de Jumilla ghi lại trong quyển sách Les Espagnols dans l’Empire d’Annam với nội dung như sau:

"Ban ngày họ xuống các chợ, kẻ đeo gươm, người mang cung tên, có người mang súng. Họ không hề làm thiệt hại đến người và của. Trái lại họ tỏ ra muốn bình đẳng giữa mọi người Đàng Trong; họ vào nhà giàu, nếu đem nộp họ ít nhiều thì họ không gây tổn hại, nhưng nếu chống cự lại thì họ cướp lấy những của quý đem chia cho người nghèo; họ chỉ giữ gạo và lương thực cho họ mà thôi... Người ta gọi họ là bọn cướp đạo đức và nhân từ đối với quần chúng nghèo khổ...".[45]
  1. ^ a b tướng Tây Sơn hàng Nguyễn
  2. ^ Cù lao Thới Sơn từ khoảng năm 1700 được gọi là Bãi Tôn hoặc cù lao Hộ.[33]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b “Quân đội Tây Sơn”. mod.gov.vn. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2018.
  2. ^ Huệ Chính (ngày 10 tháng 4 năm 2014). “Mùa Xuân năm 1771- Khởi nghĩa nông dân Tây Sơn bùng nổ”. baotanglichsu.vn. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2020.
  3. ^ Nguyễn Khắc Thuần (1997). “Danh tướng Việt Nam, Tập 3”. Nhà xuất bản Giáo dục. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2020., tr. 132
  4. ^ Trần Phương Hồ (1997), Sđd, trang 91.
  5. ^ a b Nguyễn Công Việt (ngày 20 tháng 3 năm 2007). “Vài nét về tư liệu ấn triện giai đoạn đầu phong trào Tây Sơn”. hannom.org.vn. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2021.
  6. ^ “Sự nghiệp Tây Sơn trên đất Bình Định (tt)”. baobinhdinh.com.vn. ngày 19 tháng 2 năm 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2021.
  7. ^ Lê Đình Phụng (ngày 13 tháng 9 năm 2012). “Nguyễn Nhạc với vương triều Tây Sơn”. baotanglichsu.vn. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2021.
  8. ^ a b “Hoàng đế Quang Trung ra bắc”. nghiencuulichsu.com. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 11 năm 2018. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2018.
  9. ^ Nghiên cứu lịch sử, Số phát hành 244, tr 52, 1989.
  10. ^ Viện Lịch sử Việt Nam, Sđd, trang 155, 156.
  11. ^ “Đôi nét về tổ chức quân đội Tây Sơn”. Báo Bình Định. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 7 năm 2019. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2018.
  12. ^ “TÌM HIỂU THIÊN TÀI QUÂN SỰ CỦA NGUYỄN HUỆ (PHẦN 1)”. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2018. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2018.
  13. ^ Đọc lại: Hoàng đế Quang Trung ra Bắc
  14. ^ “Cùng Tìm hiểu về đại bác của đội quân Tây Sơn”. baotanglichsu.vn. ngày 31 tháng 8 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 12 năm 2019. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2020.
  15. ^ a b Đại Nam thực lục, tập III, trang 6
  16. ^ a b c d “Pháo binh Tây Sơn”. ngày 2 tháng 2 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 1 năm 2020. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2020.
  17. ^ “225 năm trước, Nguyễn Nhạc đã từng "mở cửa" thông thương”. ngày 12 tháng 10 năm 2003. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 11 năm 2019. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2020.
  18. ^ Phương Hùng (ngày 1 tháng 2 năm 2014). “Chuyện những danh mã nước Việt – phần II”. baochinhphu.vn. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2020.
  19. ^ a b Tạp chí Lịch sử Quân sự, số ra tháng 8/2012.
  20. ^ Giả thuyết cuộc hành quân thần tốc của Hoàng đế Quang Trung, Báo Bình Định, mục Văn hóa, ngày đăng 27/01/2017. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2018.
  21. ^ Quốc Lê (ngày 7 tháng 9 năm 2011). 'Voi lửa' - cỗ 'xe tăng' khủng khiếp của vua Quang Trung”. baotanglichsuquocgia.vn. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 11 năm 2020. Truy cập 25 tháng 11 năm 2020.
  22. ^ “Giải mã sức mạnh có "1-0-2" của tượng binh Tây Sơn (1)”. Báo Bình Định. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 6 năm 2015. Truy cập 21 tháng 8 năm 2018.
  23. ^ Viện lịch sử quân sự Việt Nam (2007). Lịch sử quân sự Việt Nam, Tập 8. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. tr. 15
  24. ^ “Bí mật sức mạnh thủy quân Tây Sơn của 'Hoàng đế biển cả' Quang Trung (P.1)”. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2018. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2018.
  25. ^ “Hoàng Sa, Trường Sa thời Tây Sơn (1786 - 1802)”. tapchiqptd.vn. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2018. Truy cập 21 tháng 8 năm 2018.
  26. ^ a b Nguyễn Việt – Vũ Minh Giang – Nguyễn Mạnh Hùng (1983), Sđd, trang 343, 344
  27. ^ a b c d e “Tạo bất ngờ - nét nghệ thuật quân sự đặc sắc trong chiến thắng Xuân Kỷ Dậu 1789”. tapchiqptd.vn. ngày 28 tháng 1 năm 2019. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 10 năm 2019. Truy cập 7 tháng 8 năm 2020.
  28. ^ a b c d “Vua Quang Trung đánh Thăng Long không suôn sẻ như sử viết?”. tuoitre.vn. ngày 13 tháng 2 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 9 năm 2017. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2020.
  29. ^ a b “Tài dùng binh của Nguyễn Huệ (tt): Hành quân thần tốc (tt) và chiến tranh cách mạng”. Dòng Tên Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 1 năm 2020. Truy cập 29 tháng 8 năm 2018.
  30. ^ Trần Sĩ Huệ (2011), Sđd, tr 226.
  31. ^ Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng (1976), Sđd, trang 265-266.
  32. ^ a b “Nét đặc sắc của nghệ thuật tác chiến trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785”. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 6 năm 2020. Truy cập ngày 17 tháng 6 năm 2020.
  33. ^ “Sóng gió Cồn Lân”. vannghetiengiang.vn. ngày 17 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2021.
  34. ^ a b Tạp chí quốc phòng toàn dân, ngày đăng 20 tháng 1 năm 2015, Nghệ thuật kết hợp tác chiến thủy, bộ trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút (năm 1785), tapchiqptd.vn. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2018.
  35. ^ a b “Tài dụng binh của vua Quang Trung”. Khúc quân hành. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 9 năm 2018. Truy cập ngày 27 tháng 9 năm 2018.
  36. ^ Thiếu tướng, PGS, TS. Hà Quốc Hưu (ngày 22 tháng 7 năm 2013). “Về nghệ thuật rút lui chiến lược trong cuộc kháng chiến chống quân Mãn Thanh xâm lược năm 1788”. tapchiqptd.vn. Truy cập 30 tháng 7 năm 2022.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  37. ^ “Quang Trung - Nguyễn Huệ với chiến thuật nghi binh, dụ địch”. Báo Bình Định. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 8 năm 2019. Truy cập 21 tháng 8 năm 2018.
  38. ^ Trần Trọng Kim, Sđd, trang 373.
  39. ^ Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng, Sđd, trang 113.
  40. ^ a b Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, quyển 46.
  41. ^ Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng, Sđd, trang 148.
  42. ^ Trần Trọng Kim. Việt Nam sử lược. tr. 143. Truy cập 8 tháng 8 năm 2020.
  43. ^ Quang Trung: Góc nhìn sử Việt, phần: Mượn cớ cầu hôn để chực đánh lấy Lưỡng Quảng, Alpha Books, 2012, ngày truy cập 8 tháng 8 năm 2020.
  44. ^ Tạ Chí Đại Trường (2007), trang 41.
  45. ^ Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng (1976), Sđd, trang 33.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Khâm định Việt sử Thông giám cương mục.
  • Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng (1976), Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân.
  • Nguyễn Việt – Vũ Minh Giang – Nguyễn Mạnh Hùng (1983), Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân.
  • Tạ Chí Đại Trường (2007), Việt Nam thời Tây Sơn: lịch sử nội chiến, 1771-1802, Nhà xuất bản Công an nhân dân.
  • Trần Phương Hồ (1997), Tây Sơn tam kiệt, NXB Văn học.
  • Trần Sĩ Huệ (2011), Đất Phú trời Yên, NXB Lao động.
  • Trần Trọng Kim (1920), Việt Nam sử lược, Nhà xuất bản Tân Việt, ấn bản 1968.
  • Viện Lịch sử Việt Nam (1992), Quang Trung Nguyễn Huệ với chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân.